Tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu suy giảm trong quý 2/2023, khi mức lợi nhuận khủng của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ không thể bù đắp cho sự suy yếu ở các lĩnh vực như hàng hóa và hóa chất.
Theo kết quả đã công bố hoặc ước tính của 11,000 doanh nghiệp niêm yết ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 3% so với cùng kỳ, xuống 956 tỷ USD. Các doanh nghiệp này chiếm 90% tổng vốn hóa thị trường toàn cầu.
Tổng lãi ròng ở Mỹ tăng khoảng 10% trong quý 2/2023 nhờ các ông lớn công nghệ và Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett.
Ở Nhật Bản, đà hồi phục của ngành xe hơi đóng góp vào mức tăng hơn 10% của lợi nhuận. Nikkei Asia loại trừ Tập đoàn SoftBank vì lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào thành tích của các doanh nghiệp nằm trong danh mục.
Trên toàn cầu, lợi nhuận hồi phục ở 8 trong số 16 ngành công nghiệp. Trong đó, ngành tài chính tăng gần 80% lợi nhuận nhờ màn thể hiện tuyệt vời của các công ty như JPMorgan Chase và HSBC Holdings.
Ngành xe hơi cũng vụt sáng trong quý 2/2023. Toyota Motor lãi ròng vượt 1 ngàn tỷ Yên (tương đương 6.9 tỷ USD) lần đầu tiên khi các gián đoạn về nguồn cung chip bán dẫn đã dịu lại. Hyundai Motor cũng nâng dự báo lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2023.
Năng lượng, nguyên vật liệu và hóa chất lao dốc
Tuy nhiên, các lĩnh vực từng “ăn nên làm ra” nhờ cơn sốt hàng hóa đã quay đầu giảm mạnh trong quý 2/2023.
Chẳng hạn, lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu chứng kiến lợi nhuận lao dốc 40%. Lợi nhuận của các ông lớn dầu khí Mỹ và châu Âu giảm trên diện rộng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bấp bênh và giá dầu lao dốc. Lợi nhuận của ông lớn BP sụt 81% so với mức đỉnh 14 năm của cùng kỳ.
Ngành hóa chất cũng ghi nhận lợi nhuận sụt khoảng 60% trong quý 2/2023. Đây là trường hợp bị tác động mạnh bởi sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường như châu Âu và Trung Quốc.
Chẳng hạn, ông lớn hóa chất BASF ghi nhận lãi ròng giảm 76%. Ông Martin Brudermueller, Chủ tịch của BASF, cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với tình cảnh nhu cầu yếu ớt từ các ngành sử dụng đầu vào là hóa chất, trừ ngành xe hơi”.
Lợi nhuận của ngành thiết bị điện tử giảm khoảng 30%. Công ty bán dẫn Qualcomm ghi nhận lãi ròng giảm hơn 50% so với cùng kỳ trong quý 2/2023. Nguyên nhân chính là sự suy giảm của nhu cầu điện thoại thông minh, khi tỷ lệ thâm nhập thị trường toàn cầu đã lên mức 76% và khó có thể tăng trưởng thêm. IDC Nhật Bản dự báo trong năm 2023, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu sẽ giảm xuống mức đáy 10 năm.
Nhóm công nghệ Mỹ vụt sáng
Trong khi đó, ngành công nghệ ở Mỹ đang trong giai đoạn “thuận buồm xuôi gió”, với lãi ròng tăng 30% so với cùng kỳ. Theo Nikkei Asia, điều này là nhờ quá trình tái cấu trúc và sự hồi phục của doanh thu quảng cáo.
Các gã khổng lồ như Apple, Microsoft, Alphabet, Meta, Amazon và Tesla đều báo cáo lợi nhuận cao hơn. Đây là lần đầu tiên cả 6 công ty này đều có lãi kể từ quý 2/2021, khi họ được hưởng lợi lớn từ quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu khi COVID-19 bùng phát. Các công ty này chiếm 8% tổng lợi nhuận toàn cầu trong quý trước đó, tăng 2 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong năm ngoái.
Apple đã ghi nhận mức tăng lợi nhuận đầu tiên trong ba quý ngay cả khi doanh thu giảm, cải thiện tỷ suất lợi nhuận bằng các biện pháp tiết kiệm chi phí như hạn chế tuyển dụng, đồng thời tránh sa thải quy mô lớn. “Chúng tôi đã khá hiệu quả trong việc giảm chi tiêu”, Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple, cho biết trong một buổi họp báo gần đây.
Amazon và Meta, cả hai đã bảo đảm được mức lợi nhuận bằng việc cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc giảm biên chế. Doanh thu quảng cáo của họ cũng tăng trở lại khi tâm lý người tiêu dùng lạc quan hơn.
Microsoft đã đặt ra một mô hình doanh thu cụ thể với kế hoạch dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức giá 30 USD/người dùng/tháng.
Các công ty công nghệ đang gấp rút tạo động lực tăng trưởng mới, chẳng hạn như trí thông minh nhân tạo (AI). “Chúng tôi kỳ vọng sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho tới năm 2024”, Ruth Porat, Giám đốc tài chính Alphabet, cho biết.
Nguồn: Vietstock – Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)