Nikkei: Báo động đỏ về biên lãi ròng của các ngân hàng Trung Quốc

Theo kết quả khảo sát 58 ngân hàng thương mại được niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của tờ Nikkei, biên lãi ròng của 39 ngân hàng thấp hơn mức cảnh báo 1,8%.

Biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng niêm yết Trung Quốc tiếp tục giảm, với gần 70% giảm xuống dưới mức cảnh báo của ngành, khi lãi suất cho vay giảm do nhu cầu tín dụng trì trệ và bất ổn tín dụng đã hlàm tăng chi phí huy động vốn.

Theo kết quả khảo sát 58 ngân hàng thương mại được niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) của tờ Nikkei, biên lãi ròng của 39 ngân hàng, tương đương 67%, thấp hơn mức cảnh báo 1,8%.

Một hiệp hội trong ngành ngân hàng đã đặt ra 1,8% là mức cảnh báo đối với biên lãi ròng.

Hiệp hội này sử dụng biên lãi ròng và các tiêu chí khác để đánh giá thể trạng của các ngân hàng và hạ xếp hạng của một ngân hàng nếu biên lãi ròng của ngân hàng đó giảm xuống dưới mức này.

Sự thu hẹp biên lãi ròng là do lãi suất cho vay giảm và chi phí huy động vốn tăng. Một số ngân hàng vừa và nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn tín dụng ngày càng tăng, đẩy chi phí huy động vốn lên cao.

Shengjing Bank, một ngân hàng địa phương ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, là một ví dụ.

Biên lãi ròng của ngân hàng này trong năm 2023 giảm 0,38 điểm phần trăm so với năm trước xuống còn 0,96%. Đây là ngân hàng niêm yết duy nhất có biên lãi ròng giảm xuống dưới 1%.

Evergrande, một doanh nghiệp bất động sản lớn đang gặp khó khăn, nắm giữ 34,5% cổ phần của ngân hàng này với tư cách là cổ đông lớn nhất cho đến tháng 9/2021.

Những khó khăn tài chính của Evergrande khiến chính quyền tỉnh Liêu Ninh lo ngại về khả năng bất ổn tín dụng lan rộng.

Dù đã nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhưng những lo ngại về tình hình tài chính của Shengjing Bank vẫn tiếp diễn và chi phí huy động vốn của ngân hàng này vẫn ở mức cao.

Ngân hàng Bohai Bank của Thiên Tân có biên lãi ròng 1,14% trong năm 2023, giảm 0,36 điểm phần trăm. Chi phí tài chính và các chi phí lãi vay khác tăng gần 10%.

Ngân hàng này đã cung cấp 8,4 tỷ nhân dân tệ tín dụng cho China Oceanwide Holdings, một công ty đầu tư bất động sản đã nhận được lệnh giải thể từ một tòa án ở Bermuda vào tháng 9/2023. Những khó khăn của China Oceanwide khiến tương lai của Bohai Bank ngày càng trở nên bất định.

Theo Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, biên lãi ròng tổng thể của các ngân hàng thương mại Trung Quốc là 1,69% tính đến tháng 12/2023. Con số này đã giảm liên tục kể từ khi đạt đỉnh 2,77% vào tháng 9/2012.

Biên lãi ròng của cả bốn ngân hàng nhà nước lớn đều giảm xuống dưới mức 1,8%, trong đó có Ngân hàng Công thương Trung Quốc với biên lãi ròng 1,61%.

Mô hình kinh doanh cơ bản của các ngân hàng là vay ngắn hạn và sau đó cho vay trung và dài hạn. Chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và trung-dài hạn càng lớn thì lợi nhuận của ngân hàng càng cao.

Trung Quốc ngày 22/4 vừa qua đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn ở mức cố định hàng tháng, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm được giữ ở mức 3,45%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm không đổi ở mức 3,95%.

Trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện với sự tham gia của 30 nhà quan sát thị trường vào tuần trước, tất cả những người được hỏi đều kỳ vọng cả hai lãi suất chuẩn này sẽ không thay đổi.

Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR kỳ hạn một năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp. Trước đó, LPR kỳ hạn 5 năm đã được hạ 25 điểm cơ bản vào tháng Hai để hỗ trợ thị trường nhà ở.

Việc giữ nguyên LPR được đưa ra sau báo cáo dữ liệu kinh tế quý đầu tiên của Trung Quốc khá khả quan.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khi họ cố gắng củng cố nhu cầu và niềm tin thị trường khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản kéo dài.

Tại Trung Quốc, các dự báo tăng trưởng dài hạn đã giảm và nhu cầu về vốn cũng đi xuống. Kết quả là, lợi suất trái phiếu chính phủ, vốn được sử dụng làm tham chiếu cho lãi suất thị trường, đang giảm xuống, trong đó lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn dài hơn giảm mạnh hơn.

Chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và trung-dài hạn thu hẹp, khiến biên lãi ròng của các ngân hàng có khả năng thu hẹp hơn.

Vấn đề biên lãi ròng giảm có những hậu quả rộng lớn hơn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) đang tìm cách hạ lãi suất cho vay cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế.

Nhưng việc này sẽ đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay giảm, từ đó “bóp nghẹt” hơn nữa biên lãi ròng của ngân hàng. Đây được cho là một trong những yếu tố khiến PBoC không giảm mạnh lãi suất.

Khả năng sinh lời kém cũng khiến việc xử lý các khoản nợ xấu trở nên khó khăn hơn.

Số liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc chỉ ở mức 1,59% vào cuối năm 2023.

Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng việc đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đang thiếu chặt chẽ và con số này không phản ánh tình hình thực tế.

Nikkei ước tính tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm ngoái khoảng 10%. Tỷ lệ này tăng vọt lên 40% khi chỉ tính riêng các khoản vay cho ngành bất động sản, trong đó chỉ bao gồm các công ty được niêm yết ở Trung Quốc đại lục, mà không tính các công ty như Evergrande hoặc Country Garden Holdings, vốn được niêm yết tại Hong Kong hoặc không được niêm yết. Điều này cho thấy tình trạng nợ xấu thực tế có thể còn tồi tệ hơn./.

Khánh Ly

Vietnamplus