Tiền tệ quốc tế biến động mạnh sau khi Anh và Thụy Sỹ nối dài làn sóng tăng lãi suất

Đồng USD tăng giá vào thứ Năm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ủng hộ việc Mỹ cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa mặc dù với “tốc độ thận trọng” và do một loạt các ngân hàng trung ương nữa tiếp tục nâng lãi suất làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Đồng bảng Anh biến động mạnh ở phiên này, trong khi đồng franc Thụy Sĩ giảm và đồng crown của Na Uy tăng v sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Norges đều tăng lãi suất cơ bản.

Hàng loạt động thái tăng lãi suất diễn ra một ngày sau khi ông Powell nói với các nhà lập pháp ở Đồi Capitol rằng việc tăng thêm lãi suất là “một dự đoán khá tốt” về hướng đi của ngân hàng trung ương nếu nền kinh tế tiếp tục theo hướng hiện tại.

Trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, ông Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất với “tốc độ thận trọng” kể từ bây giờ.

Khi được hỏi về việc cắt giảm lãi suất, ông Powell cho biết “chúng tôi không thấy điều đó xảy ra sớm… Sẽ phải đợi một thời điểm khi chúng tôi tin chắc rằng lạm phát sẽ giảm xuống 2%” – mục tiêu lạm phát của Fed.

Trên khắp các nền kinh tế giàu có, các ngân hàng trung ương đang nâng cao dự báo lạm phát, tăng thêm lãi suất và cảnh báo các nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ 2001 và báo hiệu sẽ còn tiếp tục tăng nữa.

Chỉ số Dollar index – so sánh tiền tệ Mỹ với 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,372% lên 102,4 vào cuối phiên 22/6. So với đồng yên, tỷ giá đồng USD tăng 0,85% lên 143,1 JPY, mức cao nhất trong vòng hơn 7 tháng.

Đồng đô la Úc, được coi là đại diện của các tiền tệ rủi ro, đã giảm 0,58%.

Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex cho biết: “Tôi tin rằng sự u ám đã quay trở lại bao trùm trên khắp các thị trường”. “Có vẻ như suy thoái kinh tế có thể không hoàn toàn trở thành hiện thực, nhưng lạm phát đình đốn – mức độ kinh tế thấp kết hợp với lạm phát dai dẳng – là một câu chuyện sẽ xảy ra trong nửa cuối năm nay”.

Dữ liệu của Mỹ vào thứ Năm cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giữ ổn định ở mức cao nhất trong 20 tháng vào tuần trước, tiếp tục tăng trong tuần thứ ba liên tiếp, đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy thị trường lao động đang suy yếu.

Lãi suất tiếp tục tăng

Đồng bảng Anh giảm 0,17% xuống 1,27465 USD, kết thúc một phiên giao dịch đầy biến động sau khi Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của BoE bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2 để tăng lãi suất cơ bản từ 4,5% lên 5%, mức cao nhất kể từ năm 2008 và là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng Hai. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp.

MPC cảnh báo, có những dấu hiệu về “hiệu ứng vòng hai” sắp xảy ra, khi đợt bùng phát lạm phát ban đầu xảy ra sau đại dịch Covid và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế. Uỷ ban cho biết điều này có thể được nhìn thấy trong cả việc tăng giá trong nước do các công ty đặt ra và bằng cách trả lương cho người lao động ở mức cao hơn mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%.

Sau khi dữ liệu lạm phát vẫn duy trì ở mức 8,7% trong tháng 5, bất chấp kỳ vọng của thị trường và trở thành mức cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào, các nhà đầu tư đã chia rẽ quan điểm về mức độ tăng lãi suất mới của BoE.

Đồng franc Thụy Sĩ giảm khoảng 0,3% so với đồng bạc xanh sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 1,75%, bất chấp một số kỳ vọng của thị trường về mức tăng lớn hơn.

Mặc dù lạm phát ở Thụy Sĩ đã giảm bớt, hiện là mức thấp nhất trong số các nền kinh tế G10 ở mức 2,2%, Chủ tịch SNB Thomas Jordan gần đây đã nhắc lại chủ trương sẵn sàng tăng lãi suất, khuyến khích các thị trường kỳ vọng mức tăng 50 điểm cơ bản.

Thông báo của SNB khẳng định quyết định trên được đưa ra nhằm “kiểm soát áp lực lạm phát có thể tăng trở lại trong trung hạn”. Theo đánh giá, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải tăng lãi suất để xử lý vấn đề lạm phát, bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao và cuộc xung đột ở Ukraine. Thông báo cho biết thêm: “Không loại trừ khả năng SNB tiếp tục có thay đổi về chính sách tỷ giá để bảo đảm giá cả bình ổn trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ để duy trì sự ổn định”.

‎”Không giống như ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) và Fed (Cục Dự trữ Liên bang), SNB có thể tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ một cách chậm rãi và ổn định”, Thomas Gitzel, nhà kinh tế trưởng của VP Bank Group tại Liechtenstein, cho biết.

So với đồng crown của Na Uy, đồng USD giảm khoảng 0,05% vào lúc kết thúc phiên thứ Năm, trong phiên có lúc giảm tới 1,3% sau khi Ngân hàng Norges tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 15 năm, nhiều hơn dự kiến của đa số các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters, và cho biết họ nhắm đến một đợt tăng giá khác vào tháng 8.

Về tiền điện tử, đồng bitcoin tăng 0,37% lên mức 30.119 USD, là phiên thứ 4 liên tiếp tưang mạnh, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4, được thúc đẩy bởi kế hoạch của BlackRock nhằm tạo quỹ giao dịch trao đổi bitcoin (ETF) ngay cả khi lĩnh vực này phải đối mặt với sự giám sát theo quy định của Mỹ.

Vũ Ngọc Diệp – Nhịp sống thị trường