Khi dòng tiền xoay chiều

“Xu hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều biến số và bất kỳ điều chỉnh lớn nào sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường”, SSI Research cho biết.

“Xu hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều biến số và bất kỳ điều chỉnh lớn nào sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường”, SSI Research cho biết.

“Sóng” dâng lên từ nhóm cổ phiếu nhỏ

Sau khi ghi nhận diễn biến tích cực trong tháng 5 với các chỉ số đều tăng điểm (trong đó VN-Index tăng 2,48%), bước sang nửa đầu tháng 6, thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc với thanh khoản phục hồi ấn tượng. Đơn cử, phiên giao dịch 8/6 thanh khoản đạt hơn 23.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá trị khớp lệnh trung bình trên HoSE đã vượt mốc 15.800 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền nhập cuộc và tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu đã giúp VN-Index vượt qua hàng loạt ngưỡng cản quan trọng. Tuy nhiên, khác với những đợt sóng trước, dòng tiền vừa qua có sự “xoay tua” tìm cơ hội khi bắt đầu bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ, sau đó chuyển nhanh sang nhóm vốn hóa trung bình, rồi mới đến các cổ phiếu vốn hóa lớn. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán luân chuyển nhanh cho thấy chiều hướng ưu tiên giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư. Đây cũng là động lực cho xu hướng đi lên của thị trường. Chỉ trong vòng nửa tháng, VN-Index đã tăng hơn 40 điểm (tương đương 4%) để vượt kháng cự 1.100 điểm.

Dù vậy, cần lưu ý về diễn biến đầu tư của nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, sau thời gian mua ròng nhanh và mạnh, giao dịch khối ngoại chững lại rõ rệt, thậm chí họ quay đầu bán ròng mạnh trong hai tháng gần đây. Riêng trong tháng 5, trạng thái bán ròng của khối ngoại được duy trì xuyên suốt với giá trị bán ròng 3.420 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua ròng đột biến từ STG và bán ròng ở EIB, khối ngoại bán ròng 3.958 tỷ đồng. Sự xoay chiều nhanh chóng của dòng tiền và động thái ngập ngừng của khối ngoại khiến các công ty chứng khoán khá dè dặt khi đưa ra các kịch bản của thị trường trong tháng 6. Mặc dù vậy, gam màu tươi sáng cũng đang chiếm thế chủ đạo.

Dòng tiền sẽ theo kịch bản nào?

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn doanh nghiệp chưa phục hồi rõ rệt trong quý II. Vì vậy nhóm phân tích của VDSC không kỳ vọng rằng thị trường có thể tiến xa hơn về mặt điểm số trong tháng 6. Song thanh khoản thị trường tốt là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình đầu tư dài hạn.

Cùng chung quan điểm, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, trong tháng 6, VN-Index sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng điểm với mục tiêu gần là kháng cự tại 1.100 – 1.115 điểm. Trong trường hợp tích cực hơn, VN-Index có thể tiếp tục có các phiên tăng mạnh theo đà với mục tiêu là vùng 1.150 điểm. Tuy vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng với áp lực bán chốt lời tăng dần có thể xuất hiện đột ngột khi đà tăng chỉ duy trì trong xu hướng ngắn hạn, trong khi dài hạn vẫn tiếp tục là xu hướng giảm. Vùng dao động trong tháng được kỳ vọng từ 1.070 điểm đến 1.150 điểm.

Về phần mình, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, sau khi gặp ngưỡng cản khó khăn tại vùng 1.115 – 1.125 điểm đầu tháng 6, VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.135 điểm, đồng thời, rủi ro dài hạn tiếp tục giảm. Nhóm phân tích này cho rằng các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và có thể chú ý vào các nhóm cổ phiếu trong tháng 6 bao gồm sản xuất và phân phối điện, dược phẩm, công nghệ và dịch vụ dầu khí.

Công ty chứng khoán DSC khuyến nghị, nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng thị trường bước vào đại sóng lớn trước bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng. Về kịch bản thị trường, DSC đưa ra hai kịch bản chính. Ở kịch bản 1, đà tăng kết thúc sớm (khả năng 40%), VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1.050 điểm. Với kịch bản thứ 2, DSC cho rằng chỉ số có thể tiến đến vùng đỉnh của năm 2023 (1.120 điểm) và hình thành biên tích lũy cho xu hướng tăng tiếp diễn lên phía sau, hướng lên 1.150 -1.200 điểm.

SSI Research lưu ý rằng việc bán ròng của khối ngoại không đồng nghĩa với việc rút vốn ròng ra khỏi thị trường, và đà rút ròng mạnh chủ yếu đến từ nhóm quỹ ETF (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân), trong khi giao dịch của các quỹ chủ động nhiều khả năng nghiêng về việc tái cơ cấu danh mục. “Xu hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều biến số và bất kỳ điều chỉnh lớn nào sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường”, SSI Research cho biết.

Nhóm phân tích này tin rằng các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ và sẽ còn tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, bởi đây là thị trường của kỳ vọng. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực, bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quý II và quý III/2023 còn nhiều thách thức và các vấn đề trên thị trường bất động sản, trái phiếu sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.

Theo SSI Research, chỉ số VN-Index đã thoát khỏi xu hướng đi ngang trong biên hẹp 1.040 – 1.080 và bước vào chu kỳ tăng điểm với nhịp tăng vừa phải và mục tiêu trong tháng 6 hướng đến vùng 1.150 -1.160 điểm. Do đang tiến gần vùng đỉnh cũ, những nhịp điều chỉnh và rung lắc có khả năng sẽ diễn ra với mốc hỗ trợ là 1.060 điểm. SSI Research đánh giá cơ hội mở rộng hơn khi thị trường dần bước vào chu kỳ tăng. Xét về yếu tố dòng tiền và xu hướng kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tiếp tục nương theo nhịp tăng này để tìm kiếm lợi nhuận, song cần quản trị tốt rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục giữa các nhóm ngành và tuân thủ kỷ luật đã đề ra với các giao dịch ngắn hạn.

Theo Ngọc Hà – Thời báo Ngân hàng